Vai trò và thực trạng Người bào chữa

Quyền bào chữa là một quyền thuộc phạm trù nhân quyền trong hoạt động Tư pháp.[8] Hiến pháp nhiều nước quy định nguyên tắc mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật, từ lẽ đó pháp luật nhiều nước có những quy định cụ thể, trong khoa học tố tụng hình sự, đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không chỉ là một nguyên tắc Hiến định mà còn là một nguyên tắc quan trọng.

Quyền bào chữa được xem như là phương tiện pháp lý cần thiết để những chủ thể nói trên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thừa nhận quyền bào chữa là thừa nhận tính tranh tụng trong hoạt động tố tụng - điều kiện không thể thiếu được cho việc xét xử khách quan, công minh. Càng mở rộng phạm vi quyền bào chữa bao nhiêu thì càng mở rộng tính tranh tụng bấy nhiêu và kết quả tương ứng là càng hạn chế khả năng làm oan sai người vô tội trong xét xử.[1]

Việc tham gia tố tụng của luật sư không chỉ bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự là những người chỉ bị tình nghi có hành vi vi phạm pháp luật hình sự chứ không phải là tội phạm. Việc họ có phải là tội phạm hay không phải căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Do đó, trong quá trình tòa án xét xử họ có quyền tự bào chữa và có quyền nhờ người khác bào chữa. Người bào chữa có vai trò quan trọng. Tuy vậy, ở một số nước, do địa vị pháp lý của người bào chữa chỉ là người tham gia tố tụng, phạm vi hoạt động thuộc lĩnh vực "bổ trợ tư pháp" nên thực chất luật sư chỉ là người trợ giúp pháp lý mang tính bị động, không có cơ sở cho việc hành nghề một cách bình đẳng và độc lập.

Ở Việt Nam, vị trí của người bào chữa chưa được quan tâm đúng mức[5] ngoài ra nhiều quy định của Tòa án gây khó dễ cho người bào chữa như thủ tục cấp và thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa. Theo đó, để được tham gia vụ án, luật sư phải trình cơ quan tiến hành tố tụng ba loại giấy tờ (gồm: 1) văn bản nhờ luật sư bào chữa của bị can, bị cáo, 2) người bị tạm giữ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, 3) văn bản của văn phòng luật sư cử luật sư bào chữa và thẻ luật sư), đồng thời đáp ứng đầy đủ một số yêu cầu nhiêu khê khác đặc biệt, giấy chứng nhận bào chữa được coi là cái vòng kim cô đối với luật sư.[9][10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người bào chữa http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2004/10/3b9d7637... http://congannghean.vn/NewsDetails.aspx?NewsID=660... http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&New... http://www.hcmulaw.edu.vn/hcmulaw/index.php?option... http://www.gdtd.vn/channel/2774/201203/Bao-dam-quy... http://moj.gov.vn/ct/tintuc/lists/nghin%20cu%20tra... http://giadinh.net.vn/2012041308268443p0c1000/chua... http://phapluattp.vn/2011110610548462p0c1063/go-kh... http://phapluatvn.vn/luat-su/dien-dan/nghien-cuu-t... https://web.archive.org/web/20120407093513/http://...